BÀI TOÁN CUỘC ĐỜI ĐÂU CHỈ MỘT LỜI GIẢI

Những ngày còn đi học, tôi ngại nhất những bài toán có đáp án vô số nghiệm. Không hẳn vì nó khó mà vì tôi không tin là mình đã tìm được đáp số của phương trình. Chắc những bạn trẻ sắp thi ĐH cũng đang trải qua những khoảnh khắc do dự như thế… Và tôi nghĩ điều tương tự cũng sẽ diễn ra khi chúng ta bước vào đời nơi cuộc sống là một chuỗi những phương trình vô số nghiệm, trong đó mỗi ngã rẽ, mỗi lựa chọn luôn là những thử thách đáng kể cho lòng can đảm và niềm tin ở bản thân.

Được học bổng du học tại Anh sau khi tốt nghiệp cấp III, tôi dồn sức cho việc học và khám phá thế giới rộng lớn.

Tốt nghiệp đại học với thứ hạng cao, trường Oxford lại cho tôi tiếp học bổng sau đại học. Ngẫm lại, tôi biết mình đã có một khởi đầu vô cùng thuận lợi.Tôi hạnh phúc vì sau bao cố gắng, tôi từng bước thực hiện những ước mơ của mình cũng như đem lại cho người thân niềm hãnh diện.

Chỉ có điều…

Cứ mỗi khi đi qua một chặng đường, đạt được ngưỡng thành công nhất định trong học tập hay công việc, tôi lại có cảm giác day dứt, luôn tự hỏi phải chăng những thành công trong công việc đang là sự đánh đổi?

Mùa hè năm tốt nghiệp thạc sỹ, tôi tiếp tục được trường cấp học bổng tiến sỹ. Câu hỏi về niềm vui thật sự và sự đánh đổi lại trỗi dậy. Các anh chị đang làm tiến sỹ ở trường đều động viên tôi cố lên vì đã gần cán đích.

Tôi chơi vơi giữa bài toán “vô số nghiệm” này.

Tháng 9 quay lại trường, tôi quyết định nộp đơn xin… thôi học. Đọc trong mắt của vị giáo sư phụ trách, tôi thấy đằng sau cái gật đầu là sự bất ngờ và hình như có cả phần thất vọng.

Còn tôi, tôi tin là mình đã quyết định đúng. Qua nhiều ngã rẽ, nhiều thử thách buộc phải đấu tranh tâm lý để lựa chọn, tôi nhận ra niềm đam mê thật sự của mình là trong công việc kinh doanh, công việc xã hội, chứ không phải miệt mài trong học thuật… Bài toán cuộc sống không bao giờ có nghiệm duy nhất.
Cũng đã gần 7 năm từ quyết định bỏ học ngày nào, cuộc sống diễn ra không thật sự giống với những gì tôi mường tượng. Nhưng những trưởng thành trong cuộc sống giúp tôi hiểu rằng điều tôi có được ngày hôm nay còn đẹp hơn những gì tôi từng mong ước, không phải vì nó tốt hơn mà vì nó là thành quả xứng đáng của hành trình đi tìm chính mình. Tôi đã tìm thấy cho mình một điểm tựa vững chắc trong cuộc sống, xây được một mái ấm, làm công việc mình thật sự yêu thích…

Tôi nghiệm ra rằng thế giới luôn đa sắc, cuộc sống không đơn giản như trường học, nơi mà điểm 10 thường chỉ dành cho đáp số đúng duy nhất. Vậy nên các bạn trẻ đừng ngần ngại tự vạch ra lộ trình cho chính mình.

Giá trị của thất bại

Tôi cũng muốn nói về tâm lý sợ thất bại của người Á Đông, điều tác động không nhỏ tới giới trẻ Việt trong việc đi tìm lý tưởng, đam mê thật.

Người Ấn Độ ở Mỹ là một trong những sắc dân có rất đông kỹ sư tài năng, cũng là sắc dân mở doanh nghiệp riêng đông nhất ở thung lũng Silicon Valley. Đằng sau thành công của những công ty lớn ở Mỹ có phần đóng góp rất lớn của người Ấn Độ. Vậy nhưng điều đáng ngạc nhiên là Ấn Độ vẫn chưa có công ty công nghệ nào mang tầm cỡ tương tự những công ty mà người Ấn Độ xây dựng tại Mỹ, mặc dù vẫn là những con người đó, những tài năng đó. Câu trả lời nằm ở chỗ văn hóa Ấn Độ không chấp nhận thất bại, thường có cái nhìn gay gắt dành cho những ai không thành công. Văn hóa Mỹ, ngược lại, coi thất bại là một phần tất yếu của thành công, của sự phát triển, và vì vậy mặc dù số lượng công ty thất bại là không đếm xuể, nước Mỹ vẫn là cái nôi cho những phát minh mang tính đột phá, những công ty mang tính huyền thoại của thế giới.

Ở tuổi 20, lợi thế của các bạn là không bao giờ có thất bại, vì ngay cả những vấp ngã cũng sẽ là bài học quý giá, là một phần kinh nghiệm định hình những bước đi vững vàng hơn trong tương lai. Ở tuổi 20, các bạn chỉ thất bại khi sống thụ động, không can đảm tìm tòi cuộc sống quanh mình, để mặc tuổi trẻ trôi qua vô ích. Vậy nên, hãy trải nghiệm vì chính sự trải nghiệm mới hình thành nên tính cách, và nhất là vì mỗi người trong chúng ta chỉ có một lần đi qua tuổi 20…

Tôi nghĩ không có công thức duy nhất cho sự thành công. Không phải cứ tốt nghiệp trường ĐH nổi tiếng, chơi piano/violin giỏi, thể thao giỏi là thành công. Quan điểm chung của xã hội có một vài thang đo phổ biến, nhưng điều quan trọng nhất vẫn là bản thân mình có hài lòng với những gì mình đạt được hay không. Mỗi người có một thế mạnh riêng, niềm yêu thích và đam mê riêng, vậy nên hãy cứ nỗ lực sống hết mình thì kết quả có ra sao bạn cũng đã thành công.

Lê Diệp Kiều Trang (2013)
Nhat Pham Công Nhật (ghi)
Ảnh: Dung TranTien

1 Bình Luận
Inline Feedbacks
View all comments
Thoa Nguyễn
1 year ago

Tưởng tượng ra những phút “xuất thần” của chị thật thú vị và cũng thật xúc động vì những can đảm + nỗ lực mà chị đã trải qua trong những năm 20s-30s. Thật may vì em được biết đến chị và em biết mình sẽ học hỏi được từ chị thật nhiều từ nay về sau.