LỰA CHỌN CỦA CON

Trong rất nhiều buổi hội thảo về giáo dục, mình thường xuyên đề cao tính chủ động, độc lập trong suy nghĩ, là nền tảng cho sự sáng tạo của một con người. Mặc dù vậy, hiếm hội thảo nào trong thời buổi ngày nay dám đặt ra câu hỏi “thật lòng” hơn: Làm sao để các bạn nhỏ tự do phát triển theo định hướng của gia đình? 

Thành thật mà nói, mặc dù luôn tạo môi trường tôn trọng, khuyến khích các con độc lập trong suy nghĩ, mình chắc cũng không khác các phụ huynh khác, vẫn mong ước con lớn lên sẽ trân trọng và phát triển những giá trị mà gia đình ấp ủ, hoặc ít nhất đừng đi theo những con đường tối, những ngõ cụt… Sự lựa chọn của một con người cuối cùng không thể (và không nên) bị ảnh hưởng bởi ước muốn của cha mẹ, nhưng sẽ tuyệt vời biết mấy nếu con đường các con tự chọn là những con đường mà cha mẹ đã ấp ủ, định hướng…

Câu chuyện số 1 – Định hướng

Lúc còn nhỏ, thật ra là nhỏ xíu, mình rất mê văn nghệ. Mình thích hát, thích múa, và thích lên sân khấu trình diễn. Gia đình mình không ai làm nghệ thuật, và thật ra là … không mê văn nghệ. Lúc vào học Nhà Thiếu Nhi TPHCM, mình thích theo đội văn nghệ, nhưng ba mẹ lại dụ dỗ: “con hát múa hay là do con bắt chước tốt, học ngoại ngữ chắc chắn sẽ giỏi”. Trời không phụ lòng ba mẹ, đúng là mình giỏi ngoại ngữ thật và càng học thì càng thích. Đến năm lớp 7, xui khiến thế nào mình được chọn vào nhóm 5 bạn nhỏ đi hát với Michael Jackson… nhờ giỏi tiếng Anh. Nhưng cơ hội này một lần nữa cho mình “danh chính ngôn thuận” được các thầy cô bên Đội Văn Nghệ đào tạo, hướng dẫn. Đi hát hết mùa hè, mẹ cũng kiên nhẫn đi theo những đợt trình diễn báo cáo, tới Tết, ba tuyên bố: “Thôi nhiêu đó đủ rồi con, lo tập trung học”. Lúc này mình đã tuổi teen , có chính kiến hơn, và rõ ràng là thích văn nghệ. Ba mình bảo: “Thời gian bây giờ con không có nhiều, con phải lựa chọn, chọn đường nào cũng được nhưng phải thật giỏi. Con muốn sau này thành ca sĩ ABC, hay muốn làm doanh nhân như ba?” Và mình chọn giống ba. Các bạn trong đội văn nghệ ngày đó nhiều người trở thành các ca sĩ thành công, mình rất ái mộ. Còn mình bây giờ lớn lên nhìn lại, thật lòng mà nói, thế giới này đã chẳng mất đi một tài năng nghệ thuật nào (là mình), mà vẫn có một người rất hài lòng với lựa chọn “giống ba”. Khác xíu là người này mê văn nghệ hơn ba.

Câu chuyện số 2: Giống cha

D học MIT những năm 80, là dân mê game, chưa tốt nghiệp thì cùng bạn viết ra một game arcade nhanh chóng thu hút được cộng đồng. D bỏ học MIT, dồn sức vào công ty và thành công rực rỡ trước 30 tuổi. Điều đáng nể là game ra đời những năm 80, sau 40 năm vẫn còn là một game arcade phổ biến tại Mỹ. D có 2 cậu con trai, mình biết từ lúc 2 bạn còn học trung học, hiền lành, khiêm tốn, mặc dù gia đình có điều kiện. Ngoảnh đi ngoảnh lại, 10 năm sau, 1 bạn đã thành công với start up đầu tay về công nghệ, lập gia đình, có con khi chưa đầy 30 tuổi. Vô cùng ngưỡng mộ, mình hỏi D. đã nuôi dạy các bạn như thế nào? Chắc chắn thành công của các bạn ngày hôm nay mang nhiều dấu ấn từ cha, rõ ràng không phải từ tài sản của cha, mà từ cách ước mơ, sống và làm việc. D chia sẻ, “muốn con noi gương mình, trước hết mình phải sống cuộc đời mình thật sự hạnh phúc. Nó chỉ muốn giống mình khi thấy cuộc đời mình là đáng sống”. Cả thế giới có thể ngưỡng mộ những thành công của cha, nhưng đứa con sẽ có góc nhìn khác, nó sẽ thấy được những sự đánh đổi, những góc khuất…
Lời khuyên này đối với mình thật vô cùng quý giá!

Kết:

Tấm hình này mình chụp bạn Mary nhà mình khi ngồi đọc sách trong hiệu sách The Coop Harvard. Bạn là Big First Grader, ngồi lọt thỏm trong nhà sách cả trăm năm tuổi, dưới một câu trích không thể hay hơn: “Trẻ con học từ con người của bạn nhiều hơn là từ những điều bạn dạy”. Cũng như các bậc cha mẹ khác, mình gửi gắm vào Mary bao nhiêu ước mơ về con đường học vấn cho chính bạn. Trong giây phút đó, mình biết rằng, lựa chọn là của bạn. Và lựa chọn đó có cả hình bóng của vợ chồng mình. Có nhiều cách để khơi gợi lòng ham học, nhưng đối với vợ chồng mình, việc hai vợ chồng bền bỉ nghiêm túc học một môn học mình yêu thích, không chỉ giúp hai vợ chồng mình tiếp tục mở rộng kiến thức, mà hơn hết hy vọng sẽ tạo một môi trường lành mạnh để hai bạn xem việc học là một niềm đam mê, một lẽ sống.

0 Bình Luận
Inline Feedbacks
View all comments