Rào cản cho người CHUYÊN MÔN GIỎI trở thành QUẢN LÝ GIỎI
Trong hành trình phát triển bản thân, ai cũng muốn mỗi ngày biết thêm nhiều điều và nâng cao năng lực làm việc so với ngày hôm qua. Nhưng, một bước ngoặt quan trọng trong sự nghiệp của mỗi người là làm sao để bạn có thể nhân rộng năng lực của mình, quản lý công việc với quy mô lớn hơn, ví dụ từ việc quản lý một thị trường doanh số 1 triệu đô lên 5 triệu đô, 10 triệu đô, mà khối lượng khách hàng tăng lên?
Câu hỏi đặt ra là làm sao bạn có thể đảm đương khối lượng công việc ngày càng nhiều, ngày càng lớn? Điều duy nhất bạn có thể làm là học cách giao việc cho nhiều người hơn và quản lý công việc đó. Dù bạn có là siêu nhân đi chăng nữa thì mỗi người chúng ta chỉ có 24 tiếng mỗi ngày và không ai muốn khi thành công phải làm việc tới 18 tiếng mỗi ngày.
Vậy làm sao chúng ta có thể nhân rộng năng lực mình một cách hiệu quả? Chúng ta sẽ bắt đầu bằng việc xác định rõ quản lý có nghĩa là gì. Theo kinh nghiệm của mình, quản lý đơn giản là bạn không nhúng tay vào làm nhưng phải để người khác làm công việc đó. Bạn phải lùi lại, theo dõi, quan sát, rèn luyện nhân viên, đánh giá khả năng họ có thể làm việc và từ đó ngồi vào vị trí quản lý, một vị trí không nhúng tay vào công việc nhưng là huấn luyện viên.
Trong quá trình phát triển đội ngũ quản lý, mình nhận ra rằng những người càng giỏi chuyên môn càng khó giao việc cho người khác.
Họ không yên tâm khi người khác làm công việc trước đó của mình. Khi bạn giỏi, bạn sẽ là người giỏi nhất làm công việc đó, nhưng nếu bạn không chịu thả công việc để người khác tham gia thì làm sao bạn có thể đủ thời gian cho công việc ngày càng nhiều?
Lý do thứ hai: khi bạn giỏi về chuyên môn, bạn sẽ rất yêu thích công việc chuyên môn đó.
Không có công việc nào thú vị hơn là được ngồi một mình, yên tĩnh, tập trung vào công việc. Tuy nhiên, nếu một ngày nào đó bạn phải nhúng tay vào công việc quản lý và không còn được làm công việc chuyên môn mà bạn yêu thích, có thể bạn sẽ rất nhớ nghề. Và, hầu hết thời gian, bạn sẽ không đủ can đảm để giao công việc cho người khác làm, điều này có nghĩa là bạn không thể nhân rộng năng lực của mình cho cả nhóm.
Lý do thứ ba: người giỏi chuyên môn cũng thường bỏ qua việc phát triển kỹ năng lãnh đạo.
Lãnh đạo không chỉ là thu hút và động viên nhân viên mà còn là định hướng đội nhóm của mình theo một hướng đi chung. Bạn có đủ dũng cảm để giảm bớt thời gian cho chuyên môn và tập trung vào việc phát triển kỹ năng quản lý, hiểu tâm lý nhân viên không?
Chỉ khi nào vượt qua được những rào cản này, từ một người giỏi chuyên môn, bạn mới có thể trở thành một người quản lý giỏi. Và ai biết được, có thể một ngày nào đó, bạn còn trở thành một người lãnh đạo giỏi.
Chị gắn link video vô bài viết nào có video ok hơn á chị